Những kĩ năng mới nhằm rèn học sinh lớp 1 luyện nói

Một trong những yêu cầu quan trọng của giáo dục hiện đại là rèn luyện kỹ năng nói cho học sinh ngay từ lớp 1. Đây là giai đoạn quan trọng để phát triển khả năng giao tiếp cho trẻ từ khi còn nhỏ, giúp trẻ tự tin tỏa sáng trong việc diễn đạt ý kiến, chia sẻ thông tin và thể hiện bản thân. Vì vậy, giáo viên lớp 1 cần áp dụng những phương pháp và biện pháp phù hợp để rèn kỹ năng nói cho học sinh.

Bước 1: Rèn kỹ năng nói theo từng chủ đề trong phần môn Học vần và Tập đọc

Trước hết, việc luyện nói cho học sinh lớp 1 nên xây dựng trên các chủ đề gần gũi với các em bằng tranh ảnh minh họa. Điều này giúp tạo hứng thú và tập trung cho học sinh, bằng cách sử dụng tranh ảnh đẹp, chứa nội dung cần luyện nói để tạo tính tò mò muốn khám phá.

Tập cho học sinh đọc đúng tên chủ đề phần luyện nói trong bài. Bởi vì phát âm đúng sẽ giúp cho học sinh nói rõ ràng hơn dẫn đến nói liền mạch, lưu loát cả câu, cả đoạn, cả bài. Từ đó, học sinh khắc phục được những lỗi sai khi phát âm.

Ví dụ: Các chủ đề: Bữa cơm, Sói và Cừu, Bà cháu, Đất nước ta tuyệt đẹp… Học sinh phát âm sai chưa chuẩn. Giáo viên chúng ta phải sửa các lỗi về phát âm địa phương như: cừu-kiều, sói-xói, tuyệt-tiệc…

Bước 2: Hướng dẫn học sinh thực hành luyện nói trong nhóm

Giáo viên chia nhóm cho học sinh tự luyện nói trước nhóm để cả nhóm thảo luận, góp ý, dưới sự hướng dẫn gợi ý của giáo viên. Để các em luyện nói nhiều hơn, chính xác hơn và những em lười hay học yếu không đứng ngoài “rìa” của hoạt động, giáo viên chia nhóm, mỗi nhóm hai học sinh để mỗi học sinh sẽ được nói ít nhất 1 lần trong nhóm. Để đảm bảo về mặt thời gian, với những học sinh yếu, giáo viên khuyến khích các em tập nói nhiều lần trong nhóm từ một câu rồi đến hai câu.

Tạo cho các em mạnh dạn, tự nhiên khi giao tiếp, bằng những lời xưng hô phù hợp với từng đối tượng. Giáo viên theo dõi, quan sát để kịp thời uốn nắn, chữa từng tiếng, từng câu xoay quanh chủ đề đang nói.

Ví dụ: Chủ đề: Nói lời xin lỗi, Nói lời cảm ơn, Vâng lời cha mẹ… Với các chủ đề này, giúp các em biết nói lời xin lỗi khi có lỗi, biết chào hỏi, cảm ơn,… bằng những câu đơn giản làm cho người nghe dễ hiểu khi giao tiếp trong cuộc sống.

Bước 3: Luyện nói trước lớp

Sau khi các em luyện nói trong nhóm, giáo viên cử đại diện lên trình bày. Nếu để cho các nhóm trưởng cử, thường thì các em cử các bạn có năng lực luyện nói tốt. Tuy nhiên để tránh tình trạng chây lười, ỷ lại các em học tốt, giáo viên có thể cho các em khác bất kì trong nhóm lên luyện nói, đặc biệt là các em hay rụt rè, không dám nói trước đám đông.

Bước 4: Hướng dẫn học sinh nhận xét

Cho học sinh nhận xét cách luyện nói của mình, không nhận xét chung chung, mà yêu cầu các em khác nhận xét cụ thể về một nội dung luyện nói, tác phong luyện nói có tự nhiên, đã thành câu, hay rụt rè, chưa thành câu… Với học sinh còn yếu thì giáo viên hướng dẫn các em khác nhận xét về mức độ tiến bộ của bạn nhằm giúp các bạn đó tự tin và tiến bộ hơn.

Bước 5: Giáo viên nhận xét, tổng kết

Sau khi các em nhận xét về cách luyện nói của bạn mình, của nhóm này với nhóm khác, Giáo viên đi đến tổng kết nhận xét chung. Nhận xét một cách cụ thể cần khen ngợi, khuyến khích các em luyện nói tốt. Đồng thời chỉ ra những chi tiết, những vấn đề mà các em chưa làm tốt, khuyến khích các em bổ sung sửa chữa vào những bài luyện nói tiếp theo.

Kết luận

Nâng cao kỹ năng nói của học sinh lớp 1 là một công việc quan trọng và cần được thực hiện cẩn thận. Qua việc áp dụng các giải pháp và biện pháp trên, giáo viên có thể giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp, tự tin và lưu loát trong nói. Việc rèn luyện kỹ năng nói không chỉ góp phần vào sự phát triển cá nhân của học sinh mà còn tạo nền tảng cho sự thành công trong học tập và cuộc sống.

FEATURED TOPIC