Cho con học "Toán tư duy" rồi lên lớp 3 phải vất vả "cai", bà mẹ đưa ra loạt lý do cảnh tỉnh phụ huy

Từng cho con đi học một phương pháp Toán được quảng cáo là “tư duy” với cách tính toán bằng tay và thực hiện cộng trừ trong phạm vi hai chữ số (từ 0-99), một bà mẹ mới đây lên tiếng “cảnh tỉnh” các phụ huynh nếu có ý định cho con theo học. Theo chị, hiện con mình học lớp 3 và chị rất vất vả để “cai” cách tính ngón tay cho con, hướng dẫn con trở về phương pháp tính toán truyền thống ở trường nhưng chưa thành công.

“Nếu có mẹ nào đang khao khát được xem hình ảnh con nhà mình vẩy vẩy tay và tính toán rất nhanh trong phạm vi 100 thì khoan, dừng lại. Từ kinh nghiệm nhà em, có một bạn học Toán tính bằng ngón tay này và một bạn không, em khuyên chân thành các bác là không nên tham gia bất cứ một khóa học nào cả, đặc biệt là giai đoạn tiền tiểu học”, chị nói.

Theo bà mẹ này, Toán tính nhẩm thật ra không phải là Toán tư duy. Nó sẽ không giúp cho trẻ hiểu được bản chất của vấn đề. Con của mình sẽ không nhìn được 3 ghép 7 thành 10, 2 ghép với 8 thành 10. Hơn nữa, sử dụng kiểu “vẩy vẩy tay” như thế này thì chỉ cần sai một ngón thôi là sẽ sai hết toàn bộ bài Toán. Mà với những bạn ở độ tuổi “ẩu” thì thường xuyên sai.

Phụ huynh này cũng nêu nhận định, việc Bộ Giáo dục và đào tạo không đưa các phương pháp này vào chương trình đào tạo hẳn là có lý do. Với các bạn học trước Toán tính nhẩm, có thể giai đoạn lớp 1 con sẽ đi nhanh hơn các bạn không được học. Nhưng đường dài mới biết ngựa hay, khi con lên lớp 2, sẽ bộc lộ điểm yếu so với các bạn học theo kiểu truyền thống.

“Nếu bạn vẫn muốn cho con học trước cách tính toán nhanh thì không cần phải đến trung tâm mà có thể lên YouTube tìm các video của các thầy cô giáo. Mình biết có 1 clip chỉ 2 tiếng, chia làm 2 phần là đủ để con nắm được toàn bộ kiến thức cộng trừ trong phạm vi 100”, người này gợi ý.

Quan điểm của bà mẹ này thu hút nhiều sự chú ý và cũng nhận về các quan điểm trái chiều.

Trên thực tế, hiện nay, rất nhiều phụ huynh đổ xô cho con học các phương pháp Toán tính nhẩm bằng ngón tay, bàn tính… để có thể tính toán vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều chuyên gia cũng cho biết, những phương pháp này cũng có ưu điểm riêng như giúp trẻ được rèn luyện và phát huy hết khả năng tính toán nhanh nhẹn chính xác, tăng khả năng ghi nhớ tập trung. Nhưng bản thân tính nhẩm không quá quan trọng. Người ta chỉ thực hiện phép tính khi đã nghĩ ra cách giải bài Toán rồi. Tư duy để nghĩ ra cách giải bài Toán mới là điều cần thiết.

Một cô giáo dạy Toán cho biết, nhiều phương pháp Toán tư duy hiện nay rất tốt, tuy nhiên quan trọng là cách triển khai sáng tạo chứ không phải cộng nhanh, cộng các số lớn. Vì vậy, phụ huynh phải tỉnh táo để lựa chọn phương pháp phù hợp.

Những thao tác rập khuôn sau này có máy tính thay con người giải quyết, trong sách giáo khoa cũng có bài hướng dẫn sử dụng máy tính cầm tay. Vào tiểu học con sẽ học các phương pháp cộng trừ nhân chia truyền thống. Khi đó con hãy học và làm theo ở trường để tránh lẫn lộn trong phương pháp làm bài, để các bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Tư duy phát triển khi người ta dạy cho học sinh tìm ra lời giải chứ không phải là dạy các cháu nhẩm ra đáp số. Còn để các cháu luyện khả năng tập trung, không nhất thiết phải “đánh vật” với các con số và hàng loạt phép tính.

“Nếu đồng nhất dạy “tính nhẩm, tính nhanh” là dạy “Toán Tư duy” sẽ không chính xác”

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Phương, Nguyên Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ phát triển tài năng (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), người thầy đào tạo gần 500 học sinh khối THCS nhận huy chương các kỳ thi Toán quốc tế uy tín cho rằng:

Trước hết cần phải thống nhất chung định nghĩa: “Toán Tư duy” là tên gọi chung các loại hình Toán học dùng để dạy cho trẻ nhằm để phát triển tư duy Toán học trong đó có kỹ năng tính toán và tư duy logic. Trẻ được tương tác, trao đổi, thảo luận, vấn đáp, trình bày với giáo viên càng nhiều càng tốt; được học và làm các bài tập có tính tư duy và theo cách có tư duy – chứ không chỉ là tính toán cho ra kết quả. Các phương pháp Toán tư duy được giảng dạy theo cách này tất nhiên sẽ mang lại lợi ích cho trẻ.

Hiện nay, nhiều mô hình “Toán tư duy” mà một số tổ chức giáo dục đang triển khai theo dạng thức “tính nhẩm, tính nhanh” với các kiểu tính toán trên ngón tay; Bàn tính cơ học; Bàn tính giấy (Paper Card); Bàn tính ảo (Magic Card); Tính toán tư duy hỗn hợp. Với sự nâng cấp phương pháp “bàn tính ảo” đã giúp học sinh thấu hiểu có thể tính nhẩm một số dạng Toán nhanh gấp từ 5 đến 10 lần so với tốc độ thông thường. Tuy nhiên đây có phải là “Toán tư duy” cần phải dạy cho trẻ hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

“‘Áo khoác tư duy’ rất rộng mà theo Tiến sĩ Howard Gardner (nhà tâm lý học Đại học Harvard Mỹ) có 8 loại hình thông minh trong thuyết đa trí tuệ và kỹ năng tính nhẩm chỉ là một thành tố bé nhỏ trong ‘Trí thông minh Toán học – Logic’.

Khâu tính toán chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc xử lý bài Toán có lời văn – một dạng Toán cơ bản trong chương trình phổ thông và luôn có trong thực tiễn đời sống cũng như là hình thức tối thiểu khi biểu đạt các vấn đề của Toán học. Để giải quyết chính xác các bài Toán có lời văn, trước khi tính toán bạn cần phải hiểu đúng vấn đề để chuyển hóa yêu cầu bài Toán dưới dạng phép tính.

Tức là cần phải đặt phép tính đúng trước khi tính toán đúng. Việc chuyển hóa này gọi là ‘tư duy logic’ hay còn gọi là ‘tư duy kỹ sư’ còn việc tính toán chỉ là ‘công nhân’ thực hành. Ngoài ra nếu để ý các bài Toán có lời văn trong SGK và sách bài tập tiểu học có số liệu đơn giản theo sát với đời sống nên không ăn nhập với nghệ thuật ‘trình diễn’ tính nhẩm với nhiều con số sáng tác ngẫu nhiên. Trong đó có các số rất lớn để tạo ra các phép Toán ‘bắn chỉ thiên lên trời'”, thầy Phương chia sẻ.

Theo thầy Phương, nếu đồng nhất dạy “tính nhẩm, tính nhanh” là dạy “Toán Tư duy” sẽ không chính xác. Con người không cần phải tự biến mình thành kho dữ liệu chứa “hổ lốn” các thông tin không sắp xếp vì đã có Google, cũng không cần phải ghi nhớ nhiều quy tắc tính toán riêng biệt vì nếu gặp các phép tính phức tạp (kể các phép Toán đại số hay giải tích như căn thức, logarit, Tích phân) thì chúng ta có một công cụ tính toán toàn năng và siêu tốc đó là “máy tính”.

FEATURED TOPIC