Môn Hóa – Khó mà dễ!

Hóa học, một môn học được coi là “khó nhằn” nhưng lại là môn dễ đạt điểm cao nhất trong các môn thi khối A, B. Điều đó được thầy Phạm Văn Nhĩ, Trưởng phòng đào tạo – trung tâm đào tạo tỉnh Nam Định khẳng định.

Những phong cách không thể “dung hoà” trong môn Hóa

  • Tài tử: Hóa học là một chương trình đồng tâm, kiến thức này lồng trong kiến thức khác. Nếu học theo kiểu tài tử, thí sinh dù có tư duy thông minh, hiểu bài nhưng nếu không có nền tảng kiến thức cơ bản và vững chắc, khi làm bài thí sinh sẽ dễ bị nhầm và khó đạt điểm cao. Đặc biệt là đối với dạng bài trắc nghiệm, luôn có nhiều câu hỏi cài bẫy và học theo kiểu tài tử, môn Hóa càng khiến nhiều thí sinh “sập bẫy”.

  • Thụ động: Học Hóa không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng, càng không thích thí sinh chỉ biết ngồi nghe giảng và chép chép như máy móc. Trong kỳ thi ĐH, CĐ nhiều năm qua, không có phần dành cho việc học thuộc lòng.

Học môn Hóa phải hiểu kiến thức mới có thể làm bài tập. Để tránh cách học thụ động, thí sinh phải giải bài tập cùng lúc khi học Hóa. Giải bài tập sẽ giúp thí sinh hiểu lý thuyết và ngược lại.

Lý thuyết và bài tập trong môn Hóa có mối quan hệ khăng khít và tác động tích cực lẫn nhau. Để dễ nhớ kiến thức môn Hóa, học sinh học lý thuyết và viết ra giấy các phản ứng hóa học.

  • Lắt léo: Môn Hóa đặc biệt kỵ phong cách học lắt léo và suy diễn. Để đạt điểm cao môn Hóa, thí sinh cần có tư duy tốt trên nền tảng kiến thức vững chắc. Không hiểu được bản chất của môn Hóa là không thể làm bài.

Tuy nhiên, môn Hóa cũng dễ khiến thí sinh rơi vào suy diễn nếu học theo kiểu “cái gì cũng biết” nhưng khi hỏi cụ thể, thì thí sinh quên hoặc trả lời không chính xác.

Theo thầy Nguyễn Dũng, giảng viên khoa Hóa trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), khi chấm bài thi môn Hóa, thầy thấy rất ngạc nhiên khi thấy những phương trình đầy chất suy diễn, bộc lộ những lỗ hổng cơ bản trong kiến thức của thí sinh.

Các bài tập môn Hóa không quá lắt léo, phức tạp và không quá nặng. Các bài tập Vô cơ chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, liên quan đến các phản ứng của kim loại và hợp chất của kim loại. Các bài tập Hữu cơ thường là các bài toán xác định công thức và các hợp chất hữu cơ.

Những nghịch lý tồn tại trong môn Hóa

  • Học lý thuyết rất khó… vào: Trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ không có phần học thuộc lòng cho môn Hóa nhưng trong quá trình ôn tập môn Hóa, phần lý thuyết rất quan trọng. Nếu không nắm vững kiến thức lý thuyết, viết đúng các phương trình phản ứng, thì không thể tìm được đáp án đúng trong đề thi trắc nghiệm môn Hóa năm nay.

Đòi hỏi rất cao về lý thuyết nhưng môn Hóa lại “từ chối” những thí sinh chỉ biết học thuộc lòng. Vì vậy, học lý thuyết đối với môn Hóa là một thách thức lớn cho thí sinh.

Không chỉ ngồi nghe thầy giảng và chép bài, không chỉ chép bài sơ sài, cả hai đều không hiệu quả. Kết quả là khi đi thi, thí sinh có thể nhớ láng máng và dẫn đến nhầm lẫn.

Trong môn Hóa, học lý thuyết cũng là học bài tập và ngược lại.

  • Hay đẩy thí sinh vào “sa lầy”: Với môn Hóa, rất khó để phân biệt độ khó dễ thực sự của các câu hỏi để thí sinh chọn những bài dễ và hợp “gu” với mình làm trước. Môn Hóa cũng dễ khiến thí sinh rơi vào sự “sa lầy” không thể thoát ra và tốn rất nhiều thời gian trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là chọn đúng hay sai.

Các bài toán Vô cơ và Hữu cơ thường gây hiểu nhầm cho thí sinh. Nếu không đọc đi đọc lại đề bài, khó hiểu đúng nội dung yêu cầu của bài để viết đúng công thức của các chất và các phản ứng.

  • Khổ vì sách tham khảo: Môn Hóa đòi hỏi thí sinh cần dành thời gian đọc thêm các tài liệu tham khảo. Để nắm vững kiến thức cơ bản, thí sinh không chỉ học phần lý thuyết trong sách giáo khoa mà còn nên đọc thêm một số tài liệu tham khảo để tăng cường kiến thức.

Trung thành với một cuốn sách giáo khoa luôn khó đạt được kết quả thi “hoàn hảo”. Trong khi đó, tài liệu tham khảo môn Hóa có thật nhiều và thí sinh nếu không có kỹ năng chọn sách tham khảo sẽ khó lựa chọn được cuốn sách hữu ích cho mình.

M.M

FEATURED TOPIC