Kỹ thuật đặt câu hỏi trong dạy học phát triển năng lực

Trong quá trình dạy học phát triển năng lực, giáo viên và học sinh cùng tham gia vào bài giảng. Giáo viên đóng vai trò chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ học sinh lĩnh hội kiến thức. Điều quan trọng là giáo viên phải sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi phù hợp để gợi mở, dẫn dắt học sinh tìm hiểu và khám phá thông tin, kiến thức, kĩ năng mới. Đồng thời, câu hỏi cũng giúp đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức và kết quả học tập của học sinh. Cùng nhau khám phá vai trò quan trọng của kỹ thuật đặt câu hỏi trong dạy học phát triển năng lực.

1. Đặt câu hỏi trong dạy học để:

  • Tạo điều kiện và kích thích học sinh tham gia vào quá trình dạy học.
  • Dẫn dắt, gợi mở và kích thích học sinh tư duy, tìm tòi và khám phá tri thức mới.
  • Kiểm tra, đánh giá mức độ làm chủ kiến thức và kỹ năng cũng như sự quan tâm, hứng thú của học sinh đối với nội dung học tập.
  • Định hướng, thu thập, mở rộng thông tin, kiến thức cho học sinh.

2. Các dạng câu hỏi thường dùng trong dạy học

Hiện nay, có nhiều cách phân loại câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dạy học, nếu xét theo mục đích và chức năng của câu hỏi, chúng ta có thể phân ra các loại câu hỏi sau:

Câu hỏi đóng: Là dạng câu hỏi đơn giản chỉ có thể trả lời bằng Đúng – Sai hoặc Có – Không. Chúng thường được dùng để thu nhận thông tin cụ thể và về một sự thật nào đó. Tuy nhiên, không nên sử dụng dạng câu hỏi này trong thảo luận để chia sẻ thông tin hoặc kích thích phát triển tư duy học sinh.

Câu hỏi mở: Là dạng câu hỏi có nhiều hướng trả lời hay nhiều đáp án chấp nhận được. Dạng câu hỏi này giúp học sinh phát hiện, giải quyết vấn đề, và khám phá tri thức mới. Câu hỏi mở kích thích học sinh đào sâu suy nghĩ và đưa ra nhiều quan điểm. Không chỉ có một câu trả lời đúng hoặc sai, câu hỏi mở giúp học sinh có cái nhìn tổng quát hoặc đưa ra những băn khoăn, thắc mắc về tình huống được đưa ra.

Câu hỏi giả định: Là dạng câu hỏi kích thích học sinh suy nghĩ vượt khỏi khuôn khổ của các tình huống được giáo viên đưa ra.

Câu hỏi hành động: Là dạng câu hỏi giúp học sinh lập kế hoạch và triển khai các ý tưởng vào tình huống thực tế.

Câu hỏi làm rõ: Là câu hỏi khai thác, thu thập thêm thông tin. Câu hỏi này thường được sử dụng nhiều nhất trong sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Nó có tác dụng dẫn dắt để hướng tới sự hiểu biết, thúc đẩy trạng thái lắng nghe tích cực, khuyến khích, tạo hứng thú và thử thách cho học sinh.

Câu hỏi mở rộng: Là câu hỏi khuyến khích sự trình bày, phân tích, giải thích, mở rộng, đào sâu suy nghĩ. Dạng câu hỏi này giúp học sinh nhận thức toàn diện hơn, sâu sắc hơn về một vấn đề mà giáo viên đưa ra.

Câu hỏi so sánh: Là câu hỏi yêu cầu so sánh, đánh giá, bình luận. Dạng câu hỏi này khuyến khích tư duy phê phán, bình luận, đánh giá, thúc đẩy kỹ năng tư duy bậc cao, định hướng suy nghĩ vào các khái niệm và các vấn đề trọng tâm của bài học.

Câu hỏi tóm tắt: Là câu hỏi yêu cầu trình bày vắn tắt những nội dung đã học. Loại câu hỏi này giúp học sinh nhìn nhận nội dung học tập một cách khái quát và logic từ đó khắc sâu kiến thức đã học. Đồng thời, nó giúp học sinh phát triển khả năng tư duy, khái quát và hóa, trừu tượng hóa.

Ngoài ra, dựa trên thang nhận thức Bloom, chúng ta còn có thể phân loại thành những dạng câu hỏi biết, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và tổng hợp.

3. Quy trình đặt câu hỏi

Trong kỹ thuật đặt câu hỏi, giáo viên cần nắm rõ quy trình để đưa ra câu hỏi phù hợp đúng thời điểm.

Bước 1: Chuẩn bị câu hỏi: xác định nội dung và ý chính của bài học, hỏi về những gì và hỏi để làm gì.

Bước 2: Đối chiếu và thích ứng các câu hỏi với đặc điểm và trình độ khác nhau của học sinh. Câu hỏi cần đáp ứng các yếu tố như tính minh bạch, tính thách thức, tính định hướng, tính vừa sức và tính linh hoạt.

Bước 3: Lựa chọn ngôn từ diễn đạt phù hợp khi đặt câu hỏi. Câu hỏi nên ngắn gọn, ít từ và không sử dụng thuật ngữ phức tạp.

Bước 4: Khích lệ học sinh tư duy để trả lời câu hỏi. Đối với câu hỏi khó, giáo viên cần chuẩn bị kỹ để chủ động giải quyết các tình huống bất ngờ.

Bước 5: Duy trì tiến trình hỏi – đáp bằng câu hỏi bổ trợ, mở rộng.

Bước 6: Đánh giá và thu thập thông tin phản hồi về quá trình học tập. Các câu hỏi cần tập trung vào nội dung chính yếu, cơ bản của bài học, đặc biệt là yếu tố khái niệm và ứng dụng.

4. Các yêu cầu trong kỹ thuật đặt câu hỏi

Kỹ thuật đặt câu hỏi là linh hồn và trung tâm của dạy học phát triển năng lực. Chính vì vậy, khi đặt câu hỏi, cần chú ý các yêu cầu sau:

  • Câu hỏi phải liên quan đến việc thực hiện mục tiêu bài học.
  • Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu.
  • Câu hỏi phải được đặt đúng lúc và đúng chỗ.
  • Câu hỏi phải phù hợp với trình độ học sinh.
  • Câu hỏi phải kích thích trí tưởng tượng và tư duy của học sinh.
  • Câu hỏi phải phù hợp với thời gian thực tế.
  • Câu hỏi phải được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
  • Câu hỏi không nên ghép nhiều vấn đề lại thành một câu hỏi.
  • Câu hỏi không nên hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Kỹ thuật đặt câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo năng lực cho học sinh và thúc đẩy sự tham gia vào quá trình học tập. Việc sử dụng câu hỏi một cách hiệu quả giúp học sinh học tập tích cực hơn và phát triển tư duy toàn diện. Hãy áp dụng kỹ thuật này trong dạy học của bạn và theo dõi sự thay đổi tích cực trong quá trình học tập của học sinh!

Ảnh: ispacedanang.edu.vnispacedanang.edu.vn

Rất mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp của thầy cô, để giúp bài viết hoàn thiện hơn khi chia sẻ đến cộng đồng.

Tham khảo thêm: Phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ

Billy Nguyễn

FEATURED TOPIC