Đơn giản hóa chế độ thông tin báo cáo về an ninh, trật tự (đề xuất)

Ngày 05/06/2023, Quyết định 641/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Đơn giản hóa chế độ thông tin báo cáo về an ninh, trật tự

Nội dung đề xuất đơn giản hóa chế độ thông tin báo cáo về an ninh, trật tự được quy định tại khoản 4 Mục I Quyết định 641/QĐ-TTg như sau:

1.1. Nội dung phương án đơn giản hóa chế độ thông tin báo cáo về an ninh, trật tự

Thực hiện chế độ báo cáo bằng phương thức điện tử; quy định cụ thể thời gian chốt số liệu báo cáo.

Lý do: Nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện báo cáo, qua đó giảm thời gian, tiết kiệm chi phí.

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

1.2. Kiến nghị thực thi chế độ thông tin báo cáo về an ninh, trật tự

  • Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 42/2017/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (nêu tại mục 3 bên dưới).
  • Lộ trình thực hiện: Năm 2023.

2. Chế độ thông tin, báo cáo

Chế độ thông tin, báo cáo được quy định tại Điều 7 Thông tư 42/2017/TT-BCA như sau:

  • Đối với cơ quan Công an:
    • Định kỳ hàng quý (hoàn thành trong tuần đầu của quý tiếp theo) hoặc đột xuất, Công an cấp huyện báo cáo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội báo cáo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tình hình, kết quả công tác quản lý cơ sở hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo mẫu ĐK8 ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA.
  • Đối với cơ sở kinh doanh:
    • Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý (hoàn thành trong tuần cuối cùng của quý) tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh theo mẫu ĐK13 ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA gửi cơ quan Công an trực tiếp quản lý.
    • Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm báo cáo đột xuất các vụ việc hoặc thông tin liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh gửi cơ quan Công an nơi gần nhất và cơ quan Công an trực tiếp quản lý.

3. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự được quy định tại Điều 3 Thông tư 42/2017/TT-BCA như sau:

Đối với chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc có địa điểm kinh doanh ngoài địa điểm của cơ sở kinh doanh chính, thì mỗi chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền quản lý cơ sở kinh doanh chính quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2016/NĐ-CP hoặc nộp cho cơ quan Công an có thẩm quyền nơi chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc hoạt động để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho chi nhánh và cơ sở kinh doanh trực thuộc đó.

4. Phương án bảo đảm an ninh, trật tự

Tại Điều 5 Thông tư 42/2017/TT-BCA, phương án bảo đảm an ninh, trật tự được quy định thực hiện cụ thể như sau:

  • Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự đối với hoạt động của cơ sở của mình theo quy định tại Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
  • Trường hợp phương án bảo đảm an ninh, trật tự do cơ sở kinh doanh xây dựng chưa đáp ứng nội dung đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì cơ quan Công an có thẩm quyền trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện.
  • Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
FEATURED TOPIC