Những mô hình học tập theo xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới

Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta luôn hướng tới mục tiêu “đáp ứng đa dạng nhu cầu” của người học. Tuy nhiên, nhiều tổ chức giáo dục vẫn chưa hiểu rõ những nhu cầu này. Điều đó thể hiện qua những hạn chế của các hình thức học truyền thống. Vậy những nhu cầu và hình thức học tập hiện đại đã thay đổi như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Lớp học truyền thống (Offline)

Đây là mô hình học tập đã tồn tại từ lâu và rất phổ biến tại Việt Nam. Học sinh trong một lớp học truyền thống được tương tác trực tiếp với giáo viên để nhận kiến ​​thức. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn hạn chế khi sĩ số lớp quá đông. Điều này dẫn đến việc không đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì lý do này, nhiều trung tâm Anh ngữ và lớp học thêm đã xuất hiện ngày càng nhiều. Ở đó, học sinh được học trong lớp ít người hơn, tương tác nhiều hơn và được thầy cô tận tâm hơn. Theo các chuyên gia, một lớp học ngoại ngữ hiệu quả thường chỉ có ít hơn 15 học sinh, và tốt nhất là dưới 10 học sinh.

Ngoài vấn đề về sĩ số, lớp học truyền thống còn cần cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh. Áp dụng công nghệ 4.0 vào mô hình học tập giúp tăng cường tương tác. Hiện nay, giáo viên có thể sử dụng công nghệ để tạo ra các hoạt động tương tác giúp học sinh học tập hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc áp dụng số hoá cũng có ý nghĩa quan trọng. Số hoá giúp giáo viên thống kê và phân tích kết quả học tập một cách dễ dàng. Điều này giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và đánh giá học tập không dựa trên cảm tính của giáo viên.

Homeschooling

Homeschooling là mô hình giáo dục tại nhà, phát triển mạnh từ những năm 1970. Hiện có hơn 2 triệu học sinh tại Mỹ được học theo mô hình này và tỷ lệ gia đình lựa chọn homeschooling cho con tăng từ 7% đến 15% mỗi năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, homeschooling vẫn chưa được công nhận và có ý nghĩa khác so với nguyên ban đầu của thuật ngữ này.

Ở nước ngoài, homeschooling được công nhận và học sinh được cấp bằng tương tự như học truyền thống. Tuy nhiên, tại Việt Nam, học sinh phải học ở trường và homeschooling chỉ được coi là hình thức học tập bổ sung, phù hợp với mong muốn riêng của gia đình.

Phụ huynh lựa chọn homeschooling cho con vì một số lý do sau:

  • Mong muốn con học những chương trình chuyên biệt không có ở Việt Nam, thường là để chuẩn bị cho việc du học sớm.
  • Không quan trọng điểm số trên lớp, muốn định hướng con theo cách riêng của mình. Đồng thời, muốn giảm áp lực học tập và thi cử đang quá nặng ở các trường học.
  • Có nhiều gia đình có người mẹ là nội trợ, muốn dành thời gian bên cạnh con nhiều hơn. Vì vậy, họ chọn homeschooling thay vì cho con đi học thêm.
  • Con có khuyết tật hoặc gặp những vấn đề về phát triển.

Mặc dù chưa được công nhận, homeschooling đang được áp dụng và đáp ứng được nhu cầu học tập đặc biệt của một số gia đình có tư tưởng hiện đại và nguồn tài chính dư dả. Trên tương lai, khi homeschooling được công nhận, mô hình này hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ bởi những ưu điểm của nó.

Học gia sư (Tutor)

Đây là mô hình học tập rất phổ biến tại Việt Nam, có thể coi là phiên bản Việt của homeschooling. Phụ huynh thuê gia sư (thường là sinh viên) để hướng dẫn con cá nhân hoặc nhóm nhỏ tại nhà. Tuy nhiên, học tại nhà với gia sư khác với homeschooling về mục đích học tập. Gia sư thường hướng đến việc bổ trợ kiến thức học trên lớp hoặc ôn luyện trước các kỳ thi quan trọng.

Một nguyên nhân khiến mô hình gia sư phổ biến tại Việt Nam là chi phí thấp, tiện lợi và phù hợp để bổ trợ chương trình học ở trường. Tuy nhiên, việc tìm gia sư phù hợp với con và giúp con học hiệu quả là đôi khi là thách thức đối với phụ huynh.

Học trực tuyến (online)

Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, học online đang nở rộ tại Việt Nam. Học online chia thành hai dạng chính:

  • Học online trực tiếp: Học sinh tương tác với giáo viên qua các phần mềm dạy học trực tuyến. Mô hình này đặc biệt phù hợp để rèn luyện khả năng tự học. Một hình thức học online trực tuyến phổ biến là Massive Open Online Courses (MOOC) – Khoá học trực tuyến mở rộng. MOOC là một hình thức học trực tuyến nhằm tiếp cận với số lượng lớn người tham gia trên toàn thế giới. Khoá học MOOC thường miễn phí và học viên hoàn thành khoá học sẽ nhận được chứng chỉ.

  • Học online gián tiếp: Học qua các chương trình giảng dạy được thu sẵn qua video. Học sinh xem các video bài giảng và thực hành sau mỗi video. Đây là hình thức học tập rẻ tiền và phù hợp với những học sinh có khả năng tự học cao. Học qua các ứng dụng trên điện thoại như App học tiếng Anh, app học từ vựng cũng là một lựa chọn phổ biến.

Lớp học đảo ngược (Flip Classroom)

Đây là mô hình học tập phổ biến tại Mỹ, tập trung vào chiến lược học tập và khả năng tự học của học sinh. Khác với lớp học truyền thống, giáo viên cung cấp tài liệu học tập trước cho học sinh. Học sinh sẽ bắt đầu học theo hướng dẫn của video để thu thập thông tin và tự thực hành.

Mô hình này cung cấp cơ hội cho giáo viên để quan sát, đánh giá từng học sinh. Nó cũng tạo cơ hội cho học sinh năng động trong việc thu nhận kiến thức, hợp tác với bạn bè và tự đánh giá kết quả học tập của mình.

Cơ sở của mô hình lớp học đảo ngược dựa trên sáu bậc thang đo nhận thức của Bloom. Lớp học đảo ngược cho phép học sinh hoạt động ở ba bậc thang đầu từ nhà. Thời gian ở lớp, giáo viên và học sinh làm việc cùng nhau để đạt ba bậc thang còn lại.

Trên đây là 5 mô hình học tập hiện đại tương đối phù hợp với sự phát triển giáo dục trên toàn thế giới. Trong tương lai, chúng ta cần cập nhật những xu hướng mới nhất để đa dạng hóa các mô hình học tập, phục vụ tối đa nhu cầu của các thế hệ trẻ.

FEATURED TOPIC